Sản xuất công nghiệp và xuất khẩu Đồng Nai vẫn có đà tăng tốc

Nhiều DN đã nhận được đơn đặt hàng đến cuối năm 2021 và lên kế hoạch mở rộng sản xuất.

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2021 của tỉnh tăng gần 7% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 9,57 tỷ USD, tăng hơn 32% so với năm 2020. Thị trường xuất khẩu tiếp tục được mở rộng qua nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Thị trường xuất khẩu mở rộng

Riêng năm 2020, do chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 nên kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai tăng trưởng âm, còn lại mỗi năm đều tăng từ 7-12%/năm.

Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu vào các thị trường: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Đức.

Từ đầu năm 2021 đến nay, hầu hết các mặt hàng chủ lực trên địa bàn tỉnh đều mở rộng được thị trường tiêu thụ sang các quốc gia, vùng lãnh thổ.

Trong đó, giày dép xuất khẩu được 1,9 tỷ USD, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm trước; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng là 930 triệu USD, tăng gần 34%; sản phẩm gỗ bán được 910 triệu USD, tăng gần 73%; xơ sợi dệt 723 triệu USD, tăng xấp xỉ 70%; hàng dệt may 684 triệu USD, tăng gần 4%; phương tiện vận tải và phụ tùng 527 triệu USD, tăng 67%; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 458 triệu USD, tăng 77%.

Ông Masato Kataoka, Tổng giám đốc Công ty TNHH Ojitex Việt Nam:: “Công ty thuộc Tập đoàn Oji Paper của Nhật Bản, là đơn vị hàng đầu trong ngành công nghiệp lâm nghiệp, giấy và bao bì trên toàn cầu. Công ty đã đầu tư vào Đồng Nai hơn 20 năm và hoạt động tương đối hiệu quả. Dịch bệnh Covid-19 cũng gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty, nhưng công ty đã nhanh chóng khôi phục được sản xuất và xuất khẩu vẫn đảm bảo tăng trưởng. Công ty đang tiến hành xây dựng thêm nhà máy tại H.Long Thành để mở rộng sản xuất, xuất khẩu qua các nước”.

 

Tiếp tục duy trì tăng trưởng và xuất khẩu

Mặc dù Việt Nam cũng như các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới vẫn đang phải đối mặt với hàng loạt những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, nhưng các DN có vốn đầu tư trong nước, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã tìm ra được những cơ hội để tăng công suất, bán hàng sang các nước.

Theo Sở Công thương, trong 5 tháng đầu năm nay, hàng hóa xuất khẩu vào nhiều thị trường tăng mạnh như: Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và một số nước trong khối ASEAN. Các đơn hàng từ Trung Quốc và một số nước khác đang có sự dịch chuyển về Việt Nam, trong đó có Đồng Nai. Vì theo các tập đoàn đa quốc gia, nhiều DN ở Đồng Nai có nhà máy hiện đại, có thể đáp ứng những đơn hàng lớn, nhanh và đây là khu vực phòng chống dịch bệnh tốt, chuyển đơn hàng về đây sản xuất sẽ an tâm hơn.

Ông Will Mackereth, Giám đốc Chuỗi cung ứng Công ty TNHH Nestlé Việt Nam: “Năm 2020 và 5 tháng đầu năm nay, tăng trưởng xuất khẩu các sản phẩm của Nestlé đạt khoảng 20%. Đặc biệt, các thị trường Philippines, Thái Lan, Hoa Kỳ, Nhật Bản... đạt mức tăng trưởng khá cao."

Cơ hội tiếp tục duy trì phát triển đạt mục tiêu từ nay đến cuối năm 2021

Tình hình kinh tế thế giới hiện nay tiếp tục trên đà phục hồi, các tập đoàn đa quốc gia đều có tính toán lại chuỗi cung ứng sản phẩm trên toàn cầu để tránh lệ thuộc quá lớn vào một vài quốc gia.

Việt Nam là một trong những lựa chọn khá tốt cho các đối tác nước ngoài. Vì thế, đây cũng là cơ hội để các DN ở Đồng Nai tìm thêm được nhiều khách hàng để ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Ông Lê Bạch Long, Giám đốc Công ty TNHH Nam Long (H.Long Thành) cho biết: “Năm 2020, Nam Long mở thêm thị trường tiêu thụ găng tay sang Italy và đầu năm 2021 là Nga. Hiện sản phẩm của công ty xuất sang gần 10 quốc gia, vùng lãnh thổ. Nam Long dự tính sẽ mở rộng thêm 2 dây chuyền sản xuất găng tay y tế để xuất khẩu”.

Hiện nay, hàng hóa của tỉnh đã xuất khẩu qua 171 quốc gia, vùng lãnh thổ; nếu DN khai thác tốt các thị trường sẽ nâng được công suất, xuất khẩu.

 

prev_doitac next_doitac