Siết chặt "3 tại chỗ" để đảm bảo sản xuất trong các KCN.

Trong bối cảnh đó, DN đang tiếp tục nỗ lực thực hiện sản xuất an toàn với các giải pháp sản xuất “3 tại chỗ” với mong đợi các giải pháp kiểm soát chặt sẽ sớm ổn định được tình hình.

 Lo ảnh hưởng đến nguồn cung ứng nguyên vật liệu

Gỗ là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Đồng Nai và tạo việc làm cho số lượng lớn lao động.

Ông Tsai Yu Ming, Tổng giám đốc Công ty TNHH Great Kingdom Giang Điền, Khu công nghiệp (KCN) Giang Điền cho hay, khi làn sóng dịch bệnh lần thứ tư lây lan mạnh, DN đã chủ động các phương án để sản xuất an toàn.

Hiện các hoạt động sản xuất vẫn diễn ra tương đối ổn định, song đã có hiện tượng gián đoạn nguồn cung ứng từ các đối tác. “Chúng tôi đã sớm triển khai phương án sản xuất “3 tại chỗ” một cách nghiêm ngặt. Đơn hàng ổn định, có hợp đồng đến tháng 10 năm nay.

DN cho công nhân tăng ca xen kẽ để đáp ứng tiến độ giao hàng. Khó khăn hiện nay là đã xuất hiện một số vấn đề từ các đối tác khi họ không đảm bảo được sản xuất an toàn, tạm ngưng hoạt động hoặc phát hiện người lao động nhiễm bệnh. Do đó, ảnh hưởng phần nào đến nguồn cung nguyên liệu đầu vào của chúng tôi” - ông Tsai Yu Ming chia sẻ.

Tương tự, một DN ngành thời trang, may mặc có 2 nhà máy ở TP.Biên Hòa và H.Vĩnh Cửu cho biết, thời gian qua, khu vực nhà máy của DN ở TP.Biên Hòa có nhiều ca nhiễm Covid-19, buộc phải tạm ngưng sản xuất, thực hiện phong tỏa theo yêu cầu của địa phương để phòng, chống dịch. Nhà máy còn lại ở H.Vĩnh Cửu vẫn sản xuất song chỉ hoạt động cầm chừng vì thiếu nguyên phụ liệu và nhân công, bởi 2 nhà máy sản xuất sản phẩm bổ trợ cho nhau.

Đại diện DN này cho hay, trong ngắn hạn, đơn vị có thể cầm cự được, quyền lợi của người lao động, tiền lương công nhân được đảm bảo, tuy nhiên nếu kéo dài 1 tháng trở lên sẽ là thách thức rất lớn.

Theo số liệu của Cục Thống kê Đồng Nai, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7-2021 chỉ tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất trong 7 tháng qua (trừ tháng 2 có số ngày làm việc ít nhất). Kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 2 tỷ USD, giảm 4,8% so với tháng trước. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực có kim ngạch xuất khẩu giảm so với tháng trước như: giày dép các loại, sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng, dệt may, xơ sợi dệt, phương tiện vận tải và phụ tùng, sản phẩm từ sắt, thép.

Tính chung trong 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 13,77 tỷ USD, tăng cao hơn 34% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mức tăng trưởng xuất khẩu cao chủ yếu tập trung vào 6 tháng đầu năm. Từ đầu tháng 7, dịch bệnh đã làm ảnh hưởng đến nhiều DN sản xuất, tác động đến xuất khẩu.

Cũng do ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, nhiều DN phải tạm dừng sản xuất nên giá trị sản xuất công nghiệp trong tháng 7-2021 giảm khoảng 6% so với tháng trước. Trong đó, ngành khai khoáng giảm hơn 6,4%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm gần 6,4%...

 

Tiếp tục siết chặt sản xuất “3 tại chỗ”

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, để đảm bảo sản xuất hàng hóa ổn định, nhiều DN vừa siết chặt sản xuất “3 tại chỗ” vừa mong muốn các giải pháp của Nhà nước sẽ sớm ổn định được tình hình. Đến ngày 31-7, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai đã tiếp nhận và xử lý hồ sơ của 1.156 DN trong KCN thực hiện 3 phương án để sản xuất an toàn.

Cụ thể, có 1.141 DN thực hiện phương án “3 tại chỗ” với số lượng lao động lưu trú/tổng số lao động là 134.801/319.895 người. 7 DN thực hiện phương án “1 cung đường, 2 địa điểm” có số lượng lao động lưu trú/tổng số lao động là 1.673/3.572 người. 8 DN áp dụng cùng lúc 2 phương án trên với số lượng lao động lưu trú/tổng số lao động 2.560/9.878 người.

Để phát triển dài hạn, bền vững, các DN quan tâm xây dựng các thiết chế phục vụ công nhân như: nhà ở, hạn chế việc công nhân thuê trọ trong các khu dân cư, cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo nhà xưởng thông thoáng, duy trì giãn cách, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động.

“DN có một số lao động đến từ TP.HCM, tỉnh Bình Dương. Từ năm ngoái, khi dịch bệnh bùng phát, tiên liệu trước những khó khăn có thể gặp phải nên chúng tôi đã đầu tư xây dựng khu lưu trú cho người lao động. Nhờ vậy, trong đợt dịch lần này, các lao động ngoại tỉnh được sắp xếp ở trong khu lưu trú của công ty, không tiếp xúc cộng đồng nên có thể duy trì sản xuất bình thường và mong đợi các giải pháp dập dịch quyết liệt của Nhà nước đạt hiệu quả” - Giám đốc Công ty TNHH Bao bì Ngọc Thanh Phước (KCN Hố Nai) Nguyễn Thị Kim Tuyến cho hay.

prev_doitac next_doitac